Tiết thanh minh tại Việt Nam còn được biết đến là khoảng thời gian con cháu báo hiếu với ông bà tổ tiên. Vậy thanh minh là ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa của tiết thanh minh? Tất tần tật sẽ được GiaiNgo giải đáp ở dưới đây!
Tiết thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí xuất hiện trong công tác lập lịch của các nước phương Đông. Theo cách tính lịch của người Việt Cổ, một năm sẽ có 24 tiết khí, mỗi tiết khí ứng với một kiểu thời tiết cụ thể và trùng khớp với bốn mùa trong năm. Trong đó, tiết thanh minh là thời điểm trong lành nhất trong năm, được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm.
Vào tiết thanh minh, thời tiết trở nên dễ chịu, khí hậu mát mẻ và trong lành. Các luồng gió đông bắc lạnh đã suy giảm, các luồng gió đông nam ấm áp cũng tăng thêm và dường như không còn mưa phùn.
Theo nghĩa Hán – Việt, ‘thanh’ là khí trong, còn ‘minh’ là sáng sủa. Tiết thanh minh mang ý nghĩa của sự trong xanh, tươi sáng. Vì lẽ đó nên tiết thanh minh là thời điểm rất thích hợp cho những hoạt động ngoài trời.
Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 dương lịch. Tiết thanh minh sẽ kéo dài hơn 15 ngày và kết thúc vào ngày 20 đến 21 tháng 4 hằng năm.
“Thanh minh trong tiết tháng Ba” – câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khiến nhiều người lầm tưởng về thời gian của tiết thanh minh. Câu nói này thực ra là không sai.
Trên thực tế, tiết thanh minh được tính theo lịch dương. Và câu thơ đó là bởi lẽ khi tính theo âm lịch, tiết thanh minh rơi vào khoảng giữa tháng Mão (tháng Hai) đến giữa tháng Thìn (Tháng Ba).
Tiết thanh minh không có thời gian cố định. Thông thường là tiết thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Đây cũng chính là khoảng thời gian giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ.
Khi ta đối chiếu ngày tiết với ngày dương lịch thì ngày tiết tính theo hệ mặt trời có chênh một ngày; vì theo dương lịch cứ bốn năm thì nhuận một ngày (tháng hai có 29 ngày, thay vì 28 ngày).
Tiết Lập xuân bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch; tiết Đông chí bắt đầu vào ngày 22 hoặc 23 tháng 12 dương lịch. Theo cách tính như trên thì thanh minh có thể bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch. Dựa vào đó mà tính ra ngày thanh minh.
Tiết thanh minh xuất phát từ Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ một câu chuyện về ân nghĩa của một vị vua nước Tấn là Tấn Văn Công và vị hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Vua Tấn Văn Công là vị vua thứ 24 của nước Tấn – chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Bởi thời thế đất nước bấy giờ loạn lạc, vua phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Trong 19 năm vua lưu lạc, một vị hiền sĩ là Giới Tử Thôi đã đi theo phò tá, giúp đỡ mưu kế cho vua.
Một hôm trên đường đi lánh nạn, lương thực hết, Giới Tử Thôi lén vua cắt miếng thịt đùi của mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Mãi đến tận sau này khi vua giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, vua ban thưởng cho các công thần có công đi theo phò tá mình.
Nhưng lúc này vua lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không trách gì vua, nghĩ là trách nhiệm tôi tớ, phò tá vua là chuyện nên làm, không kể công. Sau này khi vua nhớ ra và đi tìm Giới Tử Thôi thì ông đã cùng mẹ lên núi Điền Sơn ở ẩn. Vua vì muốn ép Giới Tử Thôi phải ra lĩnh thưởng, đã ra lệnh đốt rừng. Nào ngờ Giới Tử Thôi nhất quyết không ra, kết cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Sau khi vua Tấn Văn Công vô tình giết chết Giới Tử Thôi, vua ân hận và thương xót vô cùng nên đã cho lập miếu thờ. Vua ra lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa 3 ngày và chỉ được ăn đồ nguội nấu sẵn để tưởng niệm (từ ngày 3/3 – 5/3 âm lịch) người đã khuất.
Từ đó ngày 3/3 âm lịch hằng năm còn được gọi là Tết Hàn Thực, là một ngày nằm trong tiết thanh minh nhằm nhớ ơn những người có công đã khuất. Đến khi du nhập vào Việt Nam thì ý nghĩa của Tết Hàn Thực cũng dần dần thay đổi cho phù hợp với tập quán của người Việt.
Đến nay Tết Hàn Thực còn được biết đến là tục tảo mộ ông bà tổ tiên trong tiết thanh minh, nhằm phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
Ý nghĩa của tiết thanh minh là báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Tiết thanh minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên, báo ơn dưỡng dục của những người đi trước.
Tiết thanh minh gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam – bổn phận con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Tiết thanh minh là một nét văn hóa đẹp về truyền thống hiếu kính và nhớ ơn của người Việt.
Cúng tiết thanh minh gồm có hai phần việc đó là cúng gia tiên tại gia và cúng ngoài mộ phần. Vì vậy việc chuẩn bị sắm lễ cúng tiết thanh minh cũng cần nhớ có 2 loại như thế. Bạn đọc có thể tham khảo bài cúng tiết thanh minh đầy đủ sau đây:
Bài văn khấn cúng tiết thanh minh ngoài mộ, nghĩa trang
Nam mô A di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn Thần.
Con kính lạy các ngài thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.
Hôm nay là ngày… tháng… năm… (đọc ngày, tháng Âm lịch).
Tín chủ chúng con là… (tên của bạn)
Ngụ tại số nhà…, xã/phường…, quận/huyện…, tỉnh/thành phố… (địa chỉ của nhà bạn).
Nhằm tiết Thanh minh, tín chủ con thành tâm thành kính sắm sửa lễ lạt, có lá trầu quả cau, trà quả, hương hoa, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị Tôn Thần lai lâm chiếu giám.
Gia đình chúng con có ngôi mộ của cụ tứ đại, tam đại, ông bà, cha mẹ táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp. Vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng thần linh, thổ thần, long mạch, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ và chư vị tôn thần cai quản trong khu vực này.
Chúng con kính mời các vị chư thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát. Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe, 3 tháng mùa hè, 9 tháng mùa đông đều được mạnh khỏe, tươi tốt, chứng minh chứng giám lòng thành gia đình chúng con.
Nam mô A di Đà Phật! (cúi lạy 3 lần)
Bài văn khấn cúng tiết thanh minh tại nhà
Con lạy gia tiên tiền tổ, họ hàng nội ngoại hai bên gia tộc họ… (tên dòng họ nhà bạn).
Con lạy bà tổ cô ông mãnh, ông bà, cô bé Đỏ, cậu bé Đỏ tại gia.
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Nay con giữ việc phụng thờ tên là…, tuổi… Nơi sinh tại xã/phường…, quận/huyện…, tỉnh/thành phố… cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.
Kính mời thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.
Kính dâng lễ bạc: Trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp tiết Thanh minh, kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.
Con thành tâm thành kính cúi xin gia tiên tiền tổ, bà tổ cô ông mãnh, ông bà phù hộ độ trì, đề tâm xếp nếp, vuốt ve che chở cho đại gia đình con bình an, thịnh vượng, ba tháng mùa hè chín tháng mùa đông đều mát mẻ, tốt tươi. Điều lành mang lại, điều dữ mang đi cho công việc của gia đình con đều thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn.
Chúng con kính dâng lễ bạc tâm thành, cúi xin gia tiên chứng minh chứng giám cho lòng thành của toàn thể gia quyến.
Như vậy là thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đã hiểu được tiết thanh minh là gì, thanh minh là ngày nào rồi phải không? Để tìm hiểu nhiều kiến thức hơn mỗi ngày, đừng quên chia sẻ bài viết và theo dõi GiaiNgo bạn nhé!