Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Sông Bạch Đằng không chỉ nuôi dưỡng con người, bồi đắp nền văn hóa mà còn tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Vậy sông Bạch Đằng ở đâu? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của GiaiNgo để tìm câu trả lời nhé!

Sông Bạch Đằng ở đâu?

Sông Bạch Đằng ở đâu?

Sông Bạch Đằng hay còn gọi là Bạch Đằng Giang. Sông Bạch Đằng nằm giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Vị trí địa lý sông Bạch Đằng

Sông Bạch Đằng có điểm đầu là phà Rừng; điểm cuối là cửa Nam Triệu, Hải Phòng. Sông có chiều dài 32 km. Hai bờ sông Bạch Đằng là hệ thống các sông ngòi dày đặc. Nơi đây có địa hình núi non hiểm trở; nhiều hang động và rừng rậm thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ Quốc gia.

Sông Bạch Đằng là con đường thủy trọng yếu để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa). Con đường đi từ miền Nam Trung Quốc, cửa sông Nam Triệu, qua sông Thầy, sông Đuống và cuối cùng qua đoạn chảy sông Hồng vào Thăng Long Hà Nội.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Sông Bạch Đằng liên quan đến sự kiện nào?

Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam:

  • Trận thủy chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh thắng quân xâm lược Nam Hán.
  • Trận thủy chiến sông Bạch Đằng của Hoàng đế Lê Đại Hành năm 981 đập tan quân Tống.
  • Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên.

Các bãi cọc sông Bạch Đằng ở đâu?

Bãi cọc Bạch Đằng là các bãi cọc trên sông Bạch Đằng được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt. Bãi cọc do Ngô Quyền khởi xướng vào năm 938 trong trận đại phá quân Nam Hán.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến Bạch Đằng còn hiện hữu tiêu biểu như:

Bãi cọc Yên Giang

Bãi cọc Yên Giang được phát hiện vào năm 1953 khi người dân trong vùng đào đất đắp đê. Bãi cọc nằm trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bãi hiện còn hàng trăm cọc, một số cọc được cắm thẳng đứng. Đa số cọc nằm chếch theo hướng đông 15 độ, cắm theo hình chữ “chi”.

Cọc phần lớn bằng gỗ lim hoặc gỗ táu còn để nguyên vỏ. Đầu dưới vót nhọn, đầu trên đã bị gãy. Độ dài trung bình các cọc từ 2,6 m đến 2,8 m; có cọc dài tới 3,2 m. Phần cọc được vát nhọn dài từ 0,8 m đến 1 m. Đầu phía trên của cọc nằm dưới mặt đất khoảng 0,5 m đến trên 1,5 m.

Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220 m2. Trong đó, có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2 m, nhô cao từ 0,2 đến 2 m. Mật độ cọc ở nửa bãi phía nam là một cây mỗi 0,9 đến 1,2 m, nửa bãi phía bắc có một cây mỗi 1,5 đến 2,2 m.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Bãi cọc đồng Vạn Muối

Bãi cọc phát hiện năm 2005, thuộc Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Bãi cọc với hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100 m, dài 300 m. Theo các nhà khoa học, người xưa đã dùng loại cọc đường kính 7 – 10 cm, to nhất là 20 – 22 cm, có cọc dài trên 2 m được cắm theo nhiều thế rất hiểm.

Cách đóng cọc hiện nay vẫn là bí ẩn. Tuy nhiên dân gian có truyền là người xưa sử dụng cách làm như sau:

  • Vót nhọn mũi cọc.
  • Đưa mũi cọc nhọn xuống trước, cọc sẽ cắm xuống sâu một mức nhất định.
  • Dùng dây thừng buộc 2 rọ mây vắt qua đầu trên của cọc.
  • Nhét từng viên đá vào rọ cho đến khi đủ tải trọng để ấn cọc xuống.
  • Khi đầu cọc đạt cao độ, chuyển đá ra khỏi rọ và đẽo nhọn đầu cọc.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Bãi cọc đồng Má Ngựa

Bãi cọc này nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên.

Hình thức cắm cọc ở đây tương đối đặc biệt. Các cọc cắm thành dãy như tường thành dày đặc theo một hướng. Các cọc gỗ ở đây được chọn và cắm cọc rất đa dạng, từ lim xẹt, hoàng linh, chò chỉ, chò nâu, chẹo tía, giẻ đỏ,…

Bãi cọc có quy mô khoảng 2100 m2, trải dài 70 m theo chiều Đông – Tây và rộng 30 m theo chiều Bắc – Nam. Mật độ phân bố và độ sâu của cọc không đồng đều.

Ba trận thủy chiến hào hùng trên sông Bạch Đằng

Những chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng đã buộc kẻ địch phải bỏ mộng xâm chiếm nước ta. Cùng GiaiNgo điểm lại 3 trận thủy chiến đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc trên sông Bạch Đằng.

Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938

Năm 938, Ngô Quyền sai Dương Tam Kha chỉ huy quân lính chặt 3.000 cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm.

Ngô Quyền đã vận dụng quy luật thủy triều để lãnh đạo nhân dân tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Ông ra lệnh hoãn binh, cho quân bỏ chạy lên thượng lưu để dụ địch.

Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Khi thủy triều rút mạnh, bãi cọc Bạch Đằng nhô lên, khiến thuyền địch mắc lại và vỡ tan tành. Quân Nam Hán phần bị giết, phần chết đuối, phần phải đầu hàng hoặc bị bắt sống. Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng tại trận.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Trận đánh có ý nghĩa to lớn, đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chỉ trong vòng một ngày, quân và dân ta đã đánh tan toàn bộ quân xâm lược; kết thúc chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc.

Lê Đại Hành đập tan quân Tống năm 981

Trận chiến trên sông Bạch Đằng này diễn ra vào thời vua Lê Đại Hành năm 981. Đây là trận chiến nằm trong giai đoạn chiến Tranh Tống – Việt năm 981.

Ngày 24/1/981, cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng đầu tiên, quân Đại Cồ Việt thất bại.

Sau thất bại, Lê Đại Hành đã bí mật tăng cường lực lượng chuẩn bị và chọn một khúc sông hiểm yếu rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn. Ngày 28/4/981, trận quyết chiến tại Bạch Đằng diễn ra. Lê Đại Hành dùng kế vờ thua chạy để dẫn dụ địch.

Khi chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Đại Hành tung quân ra đánh ráo riết. Các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp trận địa mai phục đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết trong đám loạn quân. Lưu Trừng vội vã dẫn đám tàn quân tháo lui ra biển.

Đại thắng Bạch Đằng năm 981 đập tan âm mưu xâm lược nước ta của quân Tống. Khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của Lê Đại Hành; xuống nước công nhận ông là vua của Đại Cồ Việt.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và trận Bạch Đằng năm 1288

Năm 1288, sau khi nghiên cứu quy luật thủy triều của sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã vạch ra thế trận cọc để mai phục quân Nguyên Mông.

Trần Hưng Đạo đã đoán được đường rút chạy của quân Nguyên. Vì thế, ông đã chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị một trận địa mai phục lớn trên sông Bạch Ðằng. Các loại gỗ lim, gỗ táu đã được đẽo nhọn cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển như sông Rút, sông Chanh, sông Kênh.

Sáng ngày 9/4/1288, Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghênh chiến, cuối cùng rơi vào ổ phục kích của quân ta. Bị tấn công dữ dội, Ô Mã Nhi quay thuyền ra biển.

Sông Bạch Đằng ở đâu? Những trang sử hào hùng của dân tộc

Trên đường rút chạy, thủy triều đã rút; cọc gỗ nổi lên, thuyền chiến lao vào bãi cọc, bị vỡ, đắm rất nhiều. Trong khi đó, phục binh của ta ở hai bên bờ đổ ra đánh từ phía sau khiến quân Nguyên càng lúng túng và tổn thất rất nặng.

Quân Nguyên bỏ chạy lên bờ để tìm đường trốn thoát. Tuy nhiên, chúng lại rơi vào ổ phục kích của quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt. Cuối cùng Ô Mã Nhi cùng binh lính dưới quyền bị tiêu diệt.

Trận đánh chấm dứt thắng lợi cho Đại Việt trong cuộc Chiến tranh Nguyên Mông lần thứ ba. Đây là một trong những chiến công vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Hy vọng với bài viết trên bạn đọc của GiaiNgo đã biết được sông Bạch Đằng ở đâu cũng như những chiến tích lịch sử của dân tộc. Hãy dõi theo GiaiNgo để cập nhật nhiều thông tin nữa nhé!