Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

Sau thành công của tác phẩm để đời ‘Dế mèn phiêu lưu ký’, Tô Hoài tiếp tục mang đến cho nền văn học hiện thực dân tộc miền núi một tuyệt phẩm mang tên Vợ chồng A Phủ. Vì vậy, trong phần soạn văn hôm nay GiaiNgo sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết nhất. Cùng tham khảo bài viết ngay nhé!

Tìm hiểu chung tác giả, tác phẩm

Đôi nét về tác giả Tô Hoài

Tô Hoài (1920 – 2014) tên thật là Nguyễn Sen. Ông là người làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức – tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô – quận Cầu Giấy – Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công. Ông còn có nhiều bút danh khác như Mai Trung, Duy Phương, Mắt Biển, Hồng Hoa, Vũ Đột Kích,…

Tô Hoài là một nhà văn sớm bước vào đời, vào nghề văn. Ông cũng sớm tham gia hoạt động Cách mạng. Tô hoài đã sáng tác được một số lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Thể loại nào Tô Hoài cũng đạt được những thành công đặc sắc. Đặc biệt là ở những tác phẩm viết về loài vật và miền núi Tây Bắc.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

Một số tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của Tô Hoài gồm:

  • Dế mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941).
  • Quê người (tiểu thuyết, 1942).
  • Nhà nghèo (tập truyện ngắn, 1944).
  • Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953).
  • Cát bụi chân ai (hồi kí, 1992).
  • Chiều chiều (tự truyện, 1999).
  • Ba người khác (tiểu thuyết 2006).

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, năm 1996 ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trên đây là đôi nét về tác giả Tô Hoài, chúng ta cùng bước vào những nội dung tiếp theo của phần soạn bài Vợ chồng A Phủ nhé!

Hoàn cảnh ra đời bài Vợ chồng A Phủ

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc được trích trong tập Truyện Tây Bắc (1953) của nhà văn Tô Hoài. Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Ở nơi đây tác giả đã có dịp trải nghiệm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng.

Tác phẩm là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân. Đồng thời, nó là một bài ca khẳng định vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt cùng khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

Bố cục bài Vợ chồng A Phủ

Phần quan trọng để giúp bạn dễ hiểu hơn trong việc đọc hiểu tác phẩm đó chính là phân chia bố cục. Vậy chúng ta cùng theo dõi soạn bài Vợ chồng A Phủ phân bố cục tác phẩm như thế nào nhé!

Bố cục bài Vợ chồng A Phủ được chia làm 3 phần:

Phần 1

Từ đầu đến bị đánh vỡ đầu. Đây là đoạn miêu tả cuộc đời, số phận, phẩm chất và tính cách của nhân vật Mị từ trước và sau khi làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.

Phần 2

Tiếp theo đến đánh nhau ở Hồng Ngài. Đây là đoạn nói về hoàn cảnh và nguyên nhân A Phủ làm con ở nhà thống lí Pá Tra.

Phần 3

Đoạn còn lại. Đây là đoạn nói về sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ và hành động của Mị. Để rồi Mị đi đến quyết định tự giải thoát cho cuộc đời của mình và A Phủ.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

Tóm tắt bài Vợ chồng A Phủ

Sau đây soạn bài Vợ chồng A Phủ của GiaiNgo sẽ giúp bạn tóm tắt tác phẩm này nhé!

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ kể về cuộc đời đôi vợ chồng người Mèo là Mị và A Phủ. Vì nhà nghèo nên khi lấy nhau, cha mẹ Mị phải vay mượn tiền nhà thống lý Pá Tra. Đến khi mẹ Mị qua đời, Mị trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp mà nợ vẫn chưa trả xong. Mị bị A Sử – con của thống lý bắt cóc về làm vợ để gạt nợ.

Cuộc đời làm dâu nhà giàu đầy đắng cay, tủi nhục của Mị bắt đầu. Cô luôn nghĩ đến cái chết để được giải thoát, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của cha mình, Mị không nỡ ăn lá ngón tự tử mà quay về tiếp tục làm con dâu gạt nợ. Mị sống như cái xác không hồn, việc làm như một cái máy, cảm xúc trong Mị bị chai sạn, cô không vui cũng không buồn.

Mùa xuân đến, Mị lén uống rượu và quyết định sắm sửa đi chơi nhưng lại bị A Sử bắt trói đứng ở cột nhà. Đêm đến, Mị vẫn miên man trong cơn say nhưng khi tỉnh rượu, Mị thấy đau và sợ.

Còn A Phủ thì đánh A Sử trong cuộc vui xuân nên bị bắt, bị phạt vạ một trăm đồng bạc trắng rồi trở thành con ở để gạt nợ. Trong một lần đi chăn bò, A Phủ đã để hổ vồ mất một con bò nên bị nhà thống lí đánh, trói ở góc nhà và bỏ đói sắp chết.

Mị động lòng thương cảm cho người cùng cảnh ngộ nên đã cắt dây cởi trói cho A Phủ. Cả hai cùng chạy trốn khỏi Hồng Ngài đến Phiềng Sa và họ thành vợ chồng.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

Như vậy các bạn đã nắm được nội dung của soạn bài Vợ chồng A Phủ rồi phải không? Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa nhan đề tác phẩm ở mục tiếp theo nào!

Ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ

Nhan đề là một tín hiệu nghệ thuật quan trọng. Nó tạo sự chú ý, kích thích hứng thú, bao quát chủ đề của tác phẩm. Sau đây soạn bài Vợ chồng A Phủ sẽ giúp các bạn hiểu rõ về ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ nhé!

Trước hết, nhan đề Vợ chồng A Phủ được Tô Hoài đặt tên theo nhân vật trong tác phẩm. Cụm từ “vợ chồng” chỉ mối quan hệ giữa hai nhân vật chính trong tác phẩm. Tuy không có quan hệ huyết thống nhưng họ cùng chung sống và cùng tạo dựng hạnh phúc.

A Phủ và Mị từ hai người xa lạ, cùng chung cảnh ngộ cùng chạy trốn khỏi sự áp bức tù đày để tìm đến với tự do. Từ đó, họ trở thành vợ chồng. Qua đó, nhà văn muốn phản ảnh được số phận cuộc đời đau thương bất hạnh của những con người ở vùng núi Tây Bắc.

Đồng thời, Tô Hoài cũng khẳng định rằng muốn có được cuộc sống hạnh phúc và sự đổi đời, con người phải biết đồng lòng cùng nhau vượt lên số phận.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

 

Chủ đề tham khảo:

Trả lời câu hỏi sách giáo khoa soạn bài Vợ chồng A Phủ

Sau đây GiaiNgo sẽ hướng dẫn các bạn trả lời câu hỏi cho phần soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết nhất. Cùng theo dõi nhé!

Câu 1 trang 14 sgk Ngữ văn 12 tập 2

Tìm hiểu số phận, tính cách nhân vật Mị qua:

  • Cảnh ngộ bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống bị đày đọa tủi cực ở nhà thống lí Pá Tra.
  • Diễn biến tâm trạng và hành động.

Trả lời:

Số phận và tính cách của nhân vật Mị:

  • Cảnh ngộ bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống bị đày đọa tủi cực ở nhà thống lí Pá Tra:
    • Trước khi về làm dâu nhà thống lí: Mị là cô gái trẻ đẹp, hiền dịu, có hiếu với cha mẹ, chăm chỉ và có nhiều chàng trai để mắt tới.
    • Sau khi về làm dâu: Mị sống vật vờ, héo mòn.
    • Đêm nào cũng khóc → Phải sống với người mình không yêu là nỗi đau khổ nhất với Mị.
    • Sống trong căn buồng có ô cửa sổ bằng bàn tay, không biết được trời nắng hay mưa.
    • Định tự tử nhưng vì thương bố nên quyết định không tự tử nữa.
    • Mị làm việc cả ngày thậm chí không bằng con trâu con ngựa. Mị làm việc như một cái máy → Mị bị tước đoạt sức lao động một cách triệt để và trở thành công cụ lao động cho nhà Thống lí Pá Tra.
    • Mị không nói, chỉ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” → Mị sống trong trạng thái vô cảm, trơ lì, chai sạn trước những đau khổ.

⇒ Mị bị đày đọa nặng nề về thể xác và tâm hồn, sống trong nỗi khổ đau, cực nhục triền miên, tâm hồn và sức sống của Mị như đã chết. Mị trở thành một cái máy chỉ lặp đi lặp lại những việc làm không vui cũng chẳng buồn.

  • Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị:
    • Khi bị bắt làm con dâu gạt nợ: Mị muốn tự vẫn và tuyệt vọng nhưng vẫn còn ý thức về cuộc sống.
    • Khi cha chết: Mị không nghĩ đến chuyện tự vẫn và cam chịu, nhẫn nhục, không còn ý thức về cuộc sống, tồn tại một cách vô thức.
    • Ngày tết đến: Trong Mị trỗi dậy mãnh liệt của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc.
      • Tiếng sáo rủ bạn đi chơi, hơi rượu – uống rượu ừng ực từng bát → Cơn say khiến Mị nhớ lại về quá khứ “Mị vẫn là người”.
      • Hành động quấn lại tóc, với tay lấy váy hoa,… → Khát khao sống đang trỗi dậy.

⇒ Ý thức về cuộc sống vốn tiềm ẩn đã bùng cháy trong Mị.

    • Trong đêm cứu A Phủ, diễn biến tâm trạng của Mị cũng có sự thay đổi:
      • Lúc đầu Mị dửng dưng, lãnh đạm.
      • Khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị hồi tưởng lại cuộc đời đầy tủi nhục của mình, thương xót và cắt dây cứu A Phủ.

⇒ Hành động cởi trói cho A Phủ dù bộc phát nhưng có ý nghĩa của sự vùng dậy. Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng chính là cắt dây cởi trói cho cuộc đời mình.

⇒ Tâm trạng Mị từ tuyệt vọng tới hi vọng cho thấy Mị dám đứng lên đấu tranh để thoát khỏi kìm hãm.

Cùng GiaiNgo bước sang câu hỏi tiếp theo trong soạn bài Vợ chồng A Phủ để biết được bút pháp nghệ thuật mà nhà văn Tô Hoài dùng để xây dựng nhân vật Mị và A Phủ nhé!

Câu 2 trang 15 sgk Ngữ văn 12 tập 2

Ấn tượng của em về nhân vật A Phủ. Bút pháp của nhà văn khi miêu tả Mị và A Phủ có gì khác nhau?

Trả lời:

Nhân vật A Phủ hiện lên qua những hành động cụ thể sau:

  • Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, A Phủ sống bằng chính sức lao động của mình.
  • A Phủ mang tính cách ham chuộng tự do, một sức sống mãnh liệt, một tài năng lao động đáng quý. A Phủ là đứa con của núi rừng, tự do, hồn nhiên, chất phác.
  • Tính cách gan góc, mạnh mẽ, không sợ cường quyền( dám đánh con quan) → A Phủ bị bắt phạt trở thành con nợ làm không công cho nhà thống lí Pá Tra.
  • Lúc bị xử kiện thị lại gan góc chịu đòn, im lặng như tượng đá.
  • Khi trở thành người làm cho nhà A Sử, A Phủ vẫn là một chàng trai mạnh khỏe, làm hết sức cho nhà chủ, không ngại khó ngại khổ.
  • Khi để hổ ăn mất bò, A Phủ đề nghị xin đi bắt hổ nhưng lại bị bắt trói và bỏ đói.
  • Khi được Mị cắt dây cởi trói dù không bước nổi nhưng đã “quật sức vùng lên, chạy” → Khát vọng tự do.

⇒ Nhân vật A Phủ mang những nét tiêu biểu của thanh niên miền núi Tây Bắc dù bị đẩy vào số phận khổ đau nhưng vẫn không nguôi khát vọng tự do.

Nét khác biệt trong bút pháp khi miêu tả nhân vật Mị và A Phủ:

  • Nhân vật Mị:
    • Mị được khắc họa từ một cái nhìn bên trong. Với cách nhìn này giúp ta khám phá và phát hiện vẻ đẹp của nhân vật ở tiềm lực sống nội tâm.
    • Nghệ thuật so sánh, thủ pháp vật hóa làm nổi bật, cực tả cuộc đời Mị.
    • Sử dụng hình ảnh ẩn dụ độc đáo (căn buồng Mị ở) nói lên số phận bất hạnh của Mị.
  • Nhân vật A Phủ được tác giả khắc họa từ cái nhìn bên ngoài với chuỗi hành động cụ thể. Điều này làm nổi bật lên tính cách gan góc, táo bạo và mạnh mẽ từ nhân vật.

Câu 3 trang 15 sgk Ngữ văn 12 tập 2

Những nét độc đáo về việc quan sát và miêu tả nếp sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân miền núi. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ tác phẩm.

Trả lời:
Nghệ thuật làm nên đặc sắc cho tác phẩm:
  • Tô Hoài đã có những quan sát đầy tinh tế và độc đáo về nét sinh hoạt, phong tục của người dân miền núi Tây Bắc: tục cướp vợ, trình ma, đánh nhau, xử kiện,…
  • Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ như cảnh mùa xuân về trên núi cao, lời ca, giai điệu tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân, cảnh uống rượu ngày tết,…
  • Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lí; dẫn dắt những tình tiết đan xen kết hợp một cách khéo léo tạo sức lôi cuốn.
  • Nhân vật hiện lên sống động, nội tâm phong phú. Mỗi nhân vật được sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa tính cách khác nhau trong khi họ có số phận giống nhau.
  • Ngôn ngữ tinh tế mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật linh hoạt có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.

Như vậy, GiaiNgo đã hướng dẫn các bạn trả lời câu hỏi trong soạn bài Vợ chồng A Phủ. Hy vọng những chia sẻ của GiaiNgo giúp các bạn có thể tiếp cận được tác phẩm một cách nhanh nhất.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết

Trên đây là tất cả tài liệu soạn bài Vợ chồng A Phủ giúp các ban học tốt. Đừng quên theo dõi GiaiNgo mỗi ngày nhé! Sự ủng hộ của các bạn là động lực giúp GiaiNgo ngày càng hoàn thiện và cho ra nhiều bài viết chất lượng hơn nữa. Chúc các bạn học tốt!

Tham khảo thêm: