Nói về cuộc đời bất hạnh, đầy hư vinh, vua Trần Thuận Tông có lẽ được nhớ đến là một trong số đó. Trần Thuận Tông là ai? Vị hoàng đế này đã sống một cuộc đời như thế nào? Cùng GiaiNgo tìm hiểu nhé!
Trần Thuận Tông là vị hoàng đế thứ 11 của triều đại nhà Trần nước Đại Việt. Trần Thuận Tông trị vì ngai vàng được 9 năm, xuất gia hơn 1 năm.
Ông là vị hoàng đế áp chót của nhà Trần nước Đại Việt, trước khi nhà Hồ ra đời. Cuộc đời của ông chỉ có danh mà không có quyền, nhu nhược nhưng cũng rất đáng thương.
Trần Thuận Tông sinh năm 1377. Khi còn nhỏ, ông được phong tước là Chiêu Định Vương, lên ngôi vua khi mới 11 tuổi. Ông lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Thái.
Trần Thuận Tông mất vào tháng 4, năm 1399, hưởng dương 22 tuổi. Ông làm vua trong 10 năm nhưng thực ra không có quyền hành gì. Việc nước đại sự đều do một tay Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông và Thái sư Hồ Quý Ly lo liệu.
Bởi lẽ không có thực quyền nên Trần Thuận Tông chỉ được xem như ngồi giữ ngôi vị. Ngay đến cả mạng sống của mình ông cũng không giữ được, bị người khác ép bức tử.
Vua Trần Thuận Tông có tên thật là Trần Ngung, là con út của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, không rõ mẹ là ai. Ông sinh ra vào thời vua Trần Phế Đế, Trần Nghệ Tông lúc này đã làm Thái thượng hoàng.
Năm 1377, em họ của Trần Thuận Tông là Trần Phế Đế (con vua Trần Duệ Tông) được Thượng hoàng lập lên ngôi. Năm 1388, Trần Phế Đế muốn trừ Hồ Quý Ly, Quý Ly xui Thượng hoàng phế bỏ.
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nghe theo, phế và giết Phế Đế. Ông lập Hồ Quý Ly lên ngôi, xưng làm Nguyên Hoàng. Bên cạnh đó, ông lập con mình là Chiêu Định Vương, tức Trần Thuận Tông lên ngôi vua khi chỉ mới 11 tuổi.
Hồ Quý Ly gả con gái là Thánh Khâm cho Trần Thuận Tông, lập làm Thánh Ngâu hoàng hậu. Bên cạnh đó, Hồ Quý Ly tiếp tục chuyên quyền. Ông gài tay chân thân tín nắm giữ những chức vụ then chốt trong quân đội và triều đình.
Vua cha Nghệ Tông tin dùng Hồ Quý Ly. Việc trong triều đình do Nghệ Tông sắp đặt nhưng phần lớn đều nghe theo lời Quý Ly. Thực trạng đó khiến cho lòng dân hoang mang, bất phục, loạn lạc nổi lên nhiều nơi.
Mãi đến năm 1390, tướng Trần Khát Chân được vua sai đi đánh Chiêm, giết được Chế Bồng Nga, khiến quân Chiêm đại bại. Lúc này họa xâm lấn của Chiêm Thành mới tạm yên.
Trừ xong giặc Chiêm Thành, Hồ Quý Ly ngày càng lộng hành, thao túng triều đình. Quý Ly xúi bẩy Thượng hoàng giết hại những người không ăn cánh với mình, trong đó còn có nhiều hoàng tử và thân vương.
Các sĩ phu bất bình, nhìn ra mưu đồ của Hồ Quý Ly. Họ dâng sớ tâu với Thượng hoàng ý đồ dòm ngó cơ nghiệp nhà Trần của Quý Ly. Nào ngờ Nghệ Tông không mảy may nghi ngờ, lại đem sớ cho Quý Ly xem. Từ đó, các trung thần không còn ai dám tâu bày gì nữa.
Ngày 15 tháng 12 năm 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất. Hồ Quý Ly lên làm Phụ chính thái sư, dịch sách để dạy vua Thuận Tông còn nhỏ tuổi. Đồng thời, Quý Ly thâu tóm trọn quyền bính trong triều ngoài lộ.
Trần Thuận Tông lên ngôi hoàng đế khi chỉ mới 11 tuổi. Ông còn nhỏ tuổi, việc trong ngoài đều chưa tường tận. Lúc này Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng đã băng hà, Hồ Quý Ly nhân cơ hội đó lãnh quyền trị vì triều đình.
Hồ Quý Ly cho chép thiên Vô dật trong Kinh thư, ý rằng khuyên vua không nên nhàn rỗi mà phải lo nghiên cứu học tập, sửa mình.
Năm 1397, Quý Ly ép Thuận Tông dời đô về An Tôn phủ Thanh Hoá. Nhiều đại thần can ngăn, rằng An Tôn chỉ hợp với loạn mà không hợp với trị. Quý Ly không nghe, quyết định dời đô. Ông còn cho đổi tên nhiều trấn, định quan chức ở các lộ, phủ; bổ nhiệm các chức tổng quản, thái thú.
Hồ Quý Ly còn hạ lệnh cho các lộ phủ đặt học quan, cho ruộng công theo các thứ bậc khác nhau. Theo đó, hạn chế ruộng đất tư hữu, trừ các đại vương và trưởng công chúa, còn lại chỉ có số nhất định, nếu thừa thì nộp cho nhà nước.
Năm 1398, Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần An. Khuyên Thuận Tông rằng ông hãy lên làm Thái thượng hoàng và đi tu theo Đạo giáo.
Thái tử An lên ngôi, tức Trần Thiếu Đế. Mẹ là Hoàng hậu Thánh Ngâu trở thành Hoàng thái hậu. Thuận Tông được tôn hiệu là Thái thượng Nguyên Quân hoàng đế.
Khi đó, thái tử An chỉ mới 2 tuổi. Vậy, Quý Ly càng thuận lợi hơn trong việc nắm giữ quyền định đoạt triều chính bởi Trần An là cháu ngoại, lại còn quá nhỏ tuổi.
Tháng 4, năm 1399, Hồ Quý Ly ép Thuận Tông phải đi tu đạo ở quán Ngọc Thanh. Nhưng Hồ Quý Ly không để Trần Thuận Tông yên ổn, ông lo lắng về hậu họa sau này nên muốn diệt trừ tận gốc.
Sau nhiều lần hạ độc Thuận Tông mà không thành, Quý Ly sai tướng Phạm Khả Vĩnh thắt cổ Thượng hoàng chết. Tiếp đó, chôn ông ở lăng Yên Sinh, miếu hiệu là Thuận Tông. Năm đó ông chỉ mới 22 tuổi.
Có thể nói, cuộc đời vua Trần Thuận Tông là một nỗi thống khổ bất hạnh. Ngôi vị ngai vàng ông trị vì lại không có quyền lực, nhu nhược đến mức đáng thương. Vua Trần Thuận Tông và 4 lần bị ép bởi Hồ Quý Ly chính là sự minh chứng cho cuộc đời hư danh, phù phiếm của ông.
Bị ép dời đô
Mùa xuân, tháng giêng năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa.
Mặc cho nhiều đại thần can ngăn, phản đối việc dời đô nhưng Quý Ly không mảy may để tâm.
Các đại thần nói rằng những bậc đế vương khi dời đô thì đất nước đều gặp chuyện chẳng lành. Hơn thế nữa, đất An Tôn lại chẳng hề vững vàng. An Tôn chật hẹp, hẻo lánh, chỉ hợp với loạn mà không hợp với trị.
Trước những phản ứng mạnh mẽ đó, Trần Thuận Tông không có quyết sách gì, mặc cho Quý Ly định đoạt. Vậy là vào mùa đông, tháng 11, Quý Ly ép vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa.
Bị ép nhường ngôi
Trước khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly đã có lời thề rằng sẽ dốc lòng trung, giúp Quan gia để truyền đến đời con cháu về sau. Lời thề độc rằng nếu không làm vậy thì trời sẽ ghét bỏ, giận dữ.
Bởi lời thề đó nên Quý Ly không thể nào phế truất Trần Thuận Tông. Vậy nên nhằm thực hiện mưu đồ cướp ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con để lên làm Thái thượng hoàng.
Như vậy, đúng với lời thề là giúp truyền đến đời cháu của Nghệ Tông. Bên cạnh đó, Thái tử Trần An là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên ông càng thuận lợi hơn trong việc nắm giữ toàn quyền định đoạt tại triều đình.
Bị ép đi tu
Không những ép vua nhường ngôi, Hồ Quý Ly còn lấy cớ khuyên vua nên dành thời gian để chuyên tâm tu hành. Ngoài sức ép về tâm lý, Hồ Quý Ly còn cho người thuyết phục Trần Thuận Tông bằng những lời ngon ngọt, hoa mỹ về cõi tiên.
Trần Thuận Tông biết chẳng thể nào từ chối, đành phải nghe theo lời Hồ Quý Ly. Sau đó Hồ Quý Ly cho làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam đất Thanh Hóa, đưa vua tới ở đó nhưng thực ra là giam lỏng.
Tháng 4 năm Kỷ Mão (1399) Hồ Quý Ly cưỡng ép vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh ở thôn Đạm Thủy.
Bị ép tự tử
Sau khi ép Trần Thuận Tông xuất gia, Hồ Quý Ly luôn sai người đi theo vua để trông coi. Nhằm diệt trừ hậu họa, Hồ Quý Ly quyết định giết Trần Thuận Tông đồng thời cũng là con rể của mình. Hồ Quý Ly viết một bức thư gửi vua, lấy chuyện của Dương Nhật Lễ và Trần Phế Đế, những vị vua bị truất ngôi rồi bị giết, nhằm ép Trần Thuận Tông tự tử.
Trần Thuận Tông bị người của Hồ Quý Ly ép uống thuốc độc, còn bắt để bụng đói uống thêm nước dừa, nhằm cho thuốc phát tác nhanh. Tuy thế nhưng Trần Thuận Tông vẫn không chết.
Nghe tin báo bức tử không thành, Hồ Quý Ly sai Xa kỵ Phạm Khả Vĩnh đến dùng dây lụa thắt cổ giết chết vua. Năm ấy Trần Thuận Tông chỉ mới 22 tuổi.
Để nói về cuộc đời đầy bất hạnh của Trần Thuận Tông, các nhà sử học đã nhận xét rằng ông theo mệnh của quyền thần, chỉ ngồi giữ chỗ cho ngai vàng. Ông không có tiếng nói, quyền hành trị vì một nước. Có chăng là vì quá nhu nhược, để Hồ Quý Ly hoành hành, hậu vận bức tử là khó tránh khỏi.
Chắc rằng thông qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về cuộc đời của vị vua bất hạnh. Trần Thuận Tông là ai, vị vua này đã trải qua những lần bị ép thống khổ như thế nào, chắc bạn đọc đã hiểu rõ. Đừng quên chia sẻ bài viết và theo dõi GiaiNgo để cập nhật thêm nhiều kiến thức nhé!