Cụm từ Thất Tịch có lẽ không còn xa lạ với các bạn trẻ. Nhiều người tò mò tại sao mọi người lại ăn đậu đỏ vào ngày này? Có gì đặc biệt trong ngày này chăng? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của GiaiNgo để biết Thất Tịch là gì nhé!
Bạn đã từng nghe qua ngày lễ Thất tịch chưa? Bạn có biết nguồn gốc thực sự và ý nghĩa của ngày lễ này không? Hãy cùng GiaiNgo tìm hiểu những điều thú vị về ngày lễ này nhé!
Thất tịch là một ngày lễ tình nhân ở phương Đông, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Nếu như phương Tây có ngày 14 tháng 02 là là lễ tình nhân thì phương Đông cũng có ngày có ngày lễ tình nhân, hay còn gọi là lễ Thất Tịch (Mùng 7 tháng 7 âm lịch).
Nguồn gốc ra đời của ngày Thất Tịch gắn liền với câu chuyện tình đầy trắc trở của Ngưu Lang – Chức Nữ. Chuyện kể rằng có một anh chàng chăn trâu tên là Ngưu Lang, hoàn cảnh nghèo khó, mồ côi cha mẹ.
Trong một lần chăn trâu, anh tình cờ gặp 7 nàng tiên đang nô đùa trong một hồ nước. Mặc dù tất cả đều rất xinh đẹp, nhưng chàng trai nghèo chỉ phải lòng nàng tiên trẻ tuổi nhất, được biết là con gái út của Ngọc Hoàng.
Để theo đuổi nàng và giữ chân nàng ở chốn trần gian, chàng trai được chú trâu bày kế giấu xiêm y của cô tiên nữ đó. Quả nhiên, đến giờ bay về trời, các chị cô đành bay về để lại cô em út khóc lóc loay hoay tìm đồ.
Chàng Ngưu Lang mủi lòng bèn trả lại xiêm y cho nàng, thú nhận tất cả và bày tỏ tấm chân tình với nàng. May mắn thay, cô tiên nữ đồng ý và từ đó về sau hai người sống rất hạnh phúc dưới trần gian.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện con gái mất tích, Ngọc Hoàng nổi giận sai binh lính xuống trần bắt nàng về trời. Ngưu Lang thương nhớ vợ mang hai con đuổi theo nàng nhưng bị Vương Mẫu rạch ranh giới giữa 2 cõi là sông Ngân Hàng.
Ngưu Lang quyết không từ bỏ và luôn đợi Chức Nữ quay về. Bị tình cảm của hai người làm động lòng, Vương Mẫu đã cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất Tịch (nhằm 7 tháng 7 Âm lịch) trên chiếc cầu Ô Thước.
Ngày Thất Tịch được cho là ngày có nhiều ý nghĩa sâu sắc và sự khác biệt giữa các quốc gia. Cụ thể như sau:
Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ bắt nguồn từ Trung Quốc nên lễ Thất Tịch là ngày lễ đặc biệt quan trọng đối với người Trung Hoa. Trước đây, ngày Thất Tịch là lúc các cô gái chưa chồng cầu nguyện với nàng Chức Nữ với mong muốn sở hữu bàn tay khéo léo trong việc nữ công gia chánh. Ngoài ra, một số cô gái cầu nguyện lấy được người chồng tốt, đồng thời tham gia các cuộc thi như tạo hình dưa hấu, thêu thùa,..
Ngoài ra, cũng có một số nơi ở Trung Quốc có phong tục 7 người cùng nhau làm bánh bột nhào. Bên trong những chiếc bánh, người ta sẽ giấu 1 cây kim, 1 đồng xu, 1 tờ giấy đỏ. Người nào ăn nhầm bánh có cây kim sẽ trở nên khéo léo, ăn nhầm đồng xu sẽ giàu có và ăn nhầm tờ giấy đỏ sẽ sở hữu hôn nhân hạnh phúc.
Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản còn có tên gọi khác là Tanabata, hay lễ hội Sao. Lễ hội Thất Tịch tại Nhật Bản thường được bắt đầu từ tối ngày 6/7 và kết thúc vào ngày hôm sau, tức ngày 7/7 hằng năm.
Vào ngày lễ này, mọi người sẽ viết điều ước lên các mảnh giấy ngũ sắc hình chữ nhật và gắn lên cây, thỉnh thoảng có kèm theo vật trang trí. Các lứa đôi sẽ cùng đến nhà thờ Thần đạo Shinto để cầu nguyện bên nhau trọn đời, còn người độc thân sẽ cầu tình duyên.
Ngày lễ Thất Tịch ở Việt Nam còn được gọi là ngày “Ông Ngâu, Bà Ngâu”. Sở dĩ có tên gọi này là vì vào ngày này thường xuất hiện những trận mưa ngâu mà người ta tin rằng đây là nước mắt hạnh phúc khi Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau.
Đặc biệt hơn, thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), nhà vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con. Sau đó, ông đã vào một ngôi chùa để cầu tự vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch và sinh ra Thái tử Càn Đức. Vì vậy, mùng 7 tháng 7 (Âm lịch) hằng năm đều tổ chức lễ hội ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Cũng giống như những ngày lễ khác, người Việt vẫn truyền tai nhau những điều nên làm vào ngày lễ Thất Tịch.
Đi chùa cầu duyên là cách nhiều người vẫn thường hay làm trong ngày lễ Thất Tịch. Ngoài việc cầu bình an và hạnh phúc cho gia đình, đây cũng là dịp các bạn trẻ có thể cầu cho con đường tình duyên của minh gặp nhiều thuận lợi, may mắn.
Ngày Thất Tịch là ngày rất đặc biệt của tình yêu lứa đôi. Vì vậy, bạn nên làm nhiều việc thiện để giúp bạn may mắn hơn trên con đường tình duyên của mình.
Nhiều người cho rằng không nên tổ chức đám cưới vào ngày lễ Thất Tịch. Tuy đây là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau nhưng sau cặp đôi này lại chia xa, mang theo nhiều buồn và thương nhớ, vì vậy nhiều người quan niệm đây là ngày không may mắn.
Ngoài ra, việc xây dựng nhà cửa vào ngày Thất Tịch cũng là điều cấm kỵ. Lí giải cho điều này là vì ngày 7 tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, thời điểm ma quỷ thường quấy phá nên tránh những việc trọng đại trong đó có xây nhà cửa.
Bạn có thắc mắc nên ăn gì vào ngày Thất Tịch để cầu may mắn cho tình duyên không? GiaiNgo sẽ giải đáp bên dưới nhé!
Trong ngày lễ Thất Tịch, mọi người thường mua những món ăn được làm từ đậu đỏ như chè đậu đỏ, xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ, bánh đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ,….Vì đậu đỏ mang màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.
Không rõ từ bao giờ, chè đậu đỏ đã trở thành món ăn được truyền tai nhau như một trong những cách “thoát ế” vào ngày Thất Tịch. Vào những năm trở lại đây, giới trẻ Việt tin rằng nếu ăn chè đậu đỏ vào ngày này sẽ giúp cho chuyện tình cảm được suôn sẻ.
Còn với những người chưa yêu thì sẽ tìm được ý trung nhân cho mình. Ngoài ra, chè đậu đỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Vì vậy, bạn cũng nên thử nhé!
Qua bài viết này, hi vọng các bạn độc giả đã biết Thất Tịch là gì cũng như nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ này. Tiếp tục theo dõi những bài viết của GiaiNgo nhé!