Soạn bài Những câu hát than thân Ngữ văn 7 chi tiết nhất

Những câu hát than thân có số lượng lớn và rất tiêu biểu trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Vậy chúng mang ý nghĩa gì? Trong bài viết này, GiaiNgo sẽ gợi ý cho bạn cách soạn bài Những câu hát than thân và giải thích chi tiết các câu hỏi trong sgk nhé!

Đọc – hiểu Những câu hát than thân

Trước khi đi vào phần soạn bài Những câu hát than thân và phân tích các giá trị nội dung, các bạn độc giả có biết Những câu hát than thân là gì chưa?

Những câu hát than thân thường xuất phát từ sự đồng cảm với cuộc đời nhiều đau khổ của người lao động dưới sự bóc lột của tầng lớp phong kiến. Tiếng hát này chính là nỗi lòng của người lao động, khóc than cho số phận hẩm hiu, kêu trời trời không nghe, kêu đất đất không thấu.

Cùng GiaiNgo tìm hiểu tác phẩm Những câu hát than thân nhé!

Bài 1

Chỉ qua 4 câu ca dao ngắn, tác giả đã cho thấy được cuộc đời long đong, cơ cực của con người trong xã hội phong kiến xưa. Tất cả được hiện lên một cách chân thật hình ảnh con cò lam lũ, vất vả qua:

  • Từ láy giàu sức gợi hình, gợi cảm: “lận đận”
  • Thành ngữ gợi sự lam lũ, vất vả: “lên thác xuống ghềnh”.
  • Hình ảnh đối lập: nước non – một mình, lên thác – xuống ghềnh, thân cò – thác ghềnh, bể kia đầy – sông kia cạn.

soan bai nhung cau hat than than

Câu hỏi tu từ cùng đại từ phiếm chỉ “ai” diễn đạt nỗi oan trái mà cò gặp phải và sự gieo neo của người lao động xưa. Bài ca dao là lời than thân, trách phận của người nông dân đối mặt với cuộc sống lênh đênh, vất vả.

Qua đó, nó tố cáo xã hội phong kiến nhẫn tâm và nỗi phản kháng của kẻ bị áp bức.

Bài 2

Hình ảnh ẩn dụ: con tằm, lũ kiến, con hạc, con cuốc là đại diện cho cuộc đời bất hạnh, khốn khổ nhiều bề của người nông dân. Điệp từ “thương thay” càng nhấn mạnh số phận nhiều cay đắng của người nông dân.

soan bai nhung cau hat than than

Tóm lại, bài ca dao là lời than thân, trách phận của người nông dân về cuộc sống vất vả, nghèo khó.

Bài 3

Mở đầu bài bằng cụm từ “thân em” vốn quen thuộc trong ca dao, dân ca để nói về thân phận người phụ nữ. Hình ảnh trái bần được tác giả sử dụng, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Trái bần phản ánh tính chất địa phương, đồng thời gợi ra cuộc sống lênh đênh, chìm nổi, vô định và không biết đi về đâu của người phụ nữ.

soan bai nhung cau hat than than

Bài ca dao này đã diễn tả xúc động và chân thực cuộc đời cay đắng và bị lệ thuộc của người phụ nữ. Nghe từng câu chữ mà quá đỗi xót xa cho số kiếp của người phụ nữ sống trong thời phong kiến xưa phải không nào?

Tổng kết nội dung bài Những câu hát than thân

Nội dung chủ yếu của những câu hát thương thân là sự thể hiện một cách kín đáo mà sâu sắc tâm trạng đau khổ, tủi nhục, đắng cay của những người có thân phận nhỏ bé, thấp hèn trong xã hội cũ.

Hình ảnh con cò, con hạc,….dường như đã lột tả hết sự đáng thương, cuộc sống nghèo khó của người nông dân, người phụ nữ Việt Nam thời xưa. Đồng thời, bài ca dao trên thể hiện sự đồng cảm với những con người cùng cảnh ngộ và tố cáo xã hội phong kiến xưa đầy bất công.

Trả lời câu hỏi sgk, luyện tập soạn bài Những câu hát than thân

Câu 1 trang 49 sgk Ngữ văn 7 tập 1

Trong ca dao, người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao để chứng minh điều đó và giải thích vì sao?

Trả lời:

Một số bài ca dao mượn hình ảnh con cò:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

hay

Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?

Cò về đến gốc cây đề

Giương cung anh bắn cò về làm chi

Cò về thăm bác thăm dì

Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông.

Trong ca dao, người xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình vì con cò là loài vật hiền lành, chăm chỉ, chịu khó kiếm ăn. Đó là những phẩm chất gần gũi và quen thuộc với phẩm chất và thân phận của người nông dân.

Câu 2 trang 49 sgk Ngữ văn 7 tập 1

Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?

Trả lời:

Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả bằng những hình ảnh đối lập: một mình cò phải lặn lội nước non, lên thác xuống ghềnh. Thân cò gầy mòn vì mải miết kiếm ăn, vượt qua không biết bao khó khăn và nguy hiểm.

Cuộc đời lận đận của cò được tác giả mô phỏng rất sinh động bằng từ láy “lận đận” và cặp từ đối lập “lên – xuống”, “đầy – cạn”.

Ngoài nội dung than thân, bài ca dao còn gián tiếp tố cáo xã hội phong kiến bất công và luôn chèn ép người lao động nghèo.

Câu 3 trang 49 sgk Ngữ văn 7 tập 1

Em hiểu cụm từ “thương thay” như thế nào? Hãy chỉ ra những ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ này trong bài 2?

Trong bài 2, cụm từ “thương thay” dùng để tô đậm nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc đời, số phận nhiều cay đắng, buồn tủi của người nông dân.

Điệp từ “thương thay” được lặp lại 4 lần. Nó mang ý nghĩa đồng cảm, xót thương cho số phận của 4 con vật cũng chính là số phận người lao động (thương phận con tằm – thương thay lũ kiến – thương thay hạc – thương thay con cuốc).

Câu 4 trang 49 sgk Ngữ văn 7 tập 1

Phân tích những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2?

Trả lời:

Nỗi thương thân của người lao động được thể hiện như sau:

  • Thương con tằm là thương cho thân phận luôn bị kẻ khác bòn rút sức lực.
  • Thương lũ kiến li ti là thương cho thân phận thấp cổ bé họn, suốt đời làm lụng vất vả kiếm ăn nhưng luôn bị chèn ép. Đây cũng là sự thương xót cho số phận những người nông dân nghèo cật lực làm ăn quanh năm suốt tháng mà vẫn nghèo đói.
  • Thương con hạc là thương cho cuộc đời phiêu bạc, khốn khó, mỏi mệt không có tương lai. Dường như chỉ là những cố gắng trong vô vọng của người lao động trong xã hội cũ.
  • Thương cho con cuốc là thương cho thân phận thấp bé, dù có than thở cũng không ai động lòng xót thương.

Câu 5 trang 49 sgk Ngữ văn 7 tập 1

Em hãy sưu tầm một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em”. Những bài ca dao ấy thường nói về ai, về điều gì, và thường giống nhau như thế nào về nghệ thuật?

Trả lời:

Dưới đây là một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em”:

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

hay

Thân em như miếng cau khô

Người thanh tham mỏng, kẻ thô tham dày.

hay

Thân em như giếng giữa đàng

Kẻ thanh rửa mặt, người phàm rửa chân.

Điểm chung của những bài ca dao này thường nói về thân phận người phụ nữ chịu nhiều vất vả, thiệt thòi trong xã hội cũ. Về nghệ thuật, những bài ca dao này đều mở đầu bằng cụm từ “thân em”, gợi ra nỗi buồn thương và sử dụng hình ảnh so sánh ví von để nói lê số phận, cảnh đời khác nhau của người phụ nữ.

Câu 6 trang 49 sgk Ngữ văn 7 tập 1

Bài 3 nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh so sánh ở bài này có gì đặc biệt? Qua đây em thấy cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến như thế nào?

Trả lời:

Trái bần là tên một loại quả, đồng âm với từ bần (nghèo khó, bần cùng). Hình ảnh trái bần trôi nổi, bị gió dập, sóng dồi và không biết sẽ dạt vào đâu. Đây chính là tiếng than của người phụ nữ trong xã hội cũ, chịu bao sóng gió cuộc đời và không thể tự quyết định số kiếp của mình.

Bài viết trên tổng hợp nội dung soạn bài Những câu hát than thân trong chương trình Ngữ văn lớp 7 tập 1. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn độc giả có thêm kiến thức và chuẩn bị tốt cho quá trình soạn bài ở nhà. Bình luận bên dưới những câu hỏi hay chủ đề các bạn muốn GiaiNgo chia sẻ nhé!