Soạn bài Làng SGK Ngữ văn 9 tập 1 chi tiết nhất

Bài Làng của nhà văn Kim Lân khai thác sâu sắc tình cảm yêu quê hương, đất nước của con người thời kỳ kháng chiến. Để hiểu rõ hơn về nội dung bài, mời bạn đọc cùng GiaiNgo soạn bài Làng nhé!

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

Trước khi đi vào nội dung soạn bài Làng, hãy cùng GiaiNgo tìm hiểu đôi nét về vị tác giả tài năng – nhà văn Kim Lân nhé!

Đôi nét về tác giả Kim Lân

Kim Lân (1920 – 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài. Quê ông ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác được đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

Soạn bài Làng

Ngoài sự nghiệp sáng tác, Kim Lân còn được biết đến với vai trò là một diễn viên (vai Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, vai Lý Cựu trong Chị Dậu,…). Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân phải kể đến như Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962),… Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

Soạn bài Làng

Bố cục bài Làng

Truyện ngắn Làng nằm trong chương trình SGK Ngữ văn 9 tập 1. Bài gồm có ba phần:

  • Phần 1 (Từ đầu đến Ông lão cứ múa cả lên, vui quá!): Ông Hai trước khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.
  • Phần 2 (Tiếp theo đến Mỗi lần nói ra được vài câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vợi đi đôi phần): Diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
  • Phần 3 (Còn lại): Niềm vui sướng của ông khi nghe tin cải chính.

Soạn bài Làng

Tóm tắt nội dung bài Làng

Ông Hai là một người nông dân rất yêu và tự hào về làng chợ Dầu của mình. Vì chiến tranh, gia đình ông phải đi tản cư.

Một hôm ông nghe tin làng chợ Dầu theo Tây. Tin dữ bất ngờ khiến ông không thể tin, rồi sau đó là bàng hoàng và xót xa. Về nhà, ông nằm vật ra, ai nói gì cũng tưởng họ bàn tán về làng mình. Ông không biết nên về làng hay đi đến nơi khác.

Sau khi trò chuyện với thằng con trai út, ông Hai quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Đến khi chủ tịch xã lên cải chính làng Dầu không theo giặc, ông vô cùng sung sướng đi khoe với tất cả mọi người.

Soạn bài Làng

Trả lời câu hỏi SGK soạn bài Làng

Bây giờ cùng GiaiNgo đi sâu vào bài viết soạn bài Làng để hiểu rõ hơn về nội dung và thông điệp tác giả muốn truyền tải nhé!

Câu 1 (trang 174 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?

Lời giải chi tiết:

Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai vào tình huống truyện đầy éo le nhằm bộc lộ tình yêu sâu sắc của nhân vật ông Hai đối với ngôi làng chợ Dầu của mình. Đó là khi ở nơi tản cư, lúc nào ông cũng da diết nhớ về làng và tự hào về nó, thì bỗng nghe được tin làng ông theo giặc, làm Việt gian bán nước.

Soạn bài Làng

Câu 2 (trang 174 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Thuật lại diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện. Vì sao ông Hai lại thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc? Tâm trạng ấy của nhân vật đã được biểu hiện như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện.

Tâm trạng ông Hai khi nghe tin xấu:

  • Khi nghe tin đột ngột, “cổ họng ông lão nghẹn đắng lại, da tê rân rân…ông không thể không tin”
  • Ông đi về nhà, mặt cúi gằm xuống đất, về đến nhà ông vật ra giường, nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão tràn ra. Ông đau đớn rít lên, nguyền rủa bọn phản bội.
  • Suốt ngày ông Hai ở trong nhà, chẳng chịu đi đâu, ông luôn chột dạ…
  • Ông quyết đoạn tuyệt với làng để đi theo kháng chiến, theo cách mạng “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

 Tâm trạng ông Hai khi nhận được tin cải chính:

  • Khi đi nghe tin cải chính làng chợ Dầu không theo giặc ông Hai như được hồi sinh “cái mặt bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên”.
  • Hành động móm mém nhai trầu, cặp mắt hung đỏ hấp háy, lật đật chạy đi khoe, múa tay lên để khoe: “Tây nó đốt nhà tôi rồi…”

Ông Hai đau đớn, tủi hổ khi nghe làng theo giặc vì ông rất yêu và tự hào về làng mình. Càng yêu, hãnh diện, tự hào về làng bao nhiêu thì lại càng thấy đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu khi hay tin làng theo giặc.

Tâm trạng của ông Hai được biểu hiện: ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bất ổn trong nỗi tủi nhục ê chề. Ông tuyệt giao với tất cả mọi người vì xấu hổ.

Câu 3 (trang 174 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Em hãy đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út (“Ông lão ôm thằng con út lên lòng… cùng vơi đi được đôi phần”). Vì sao ông Hai lại trò chuyện như thế với đứa con nhỏ?

Qua những lời trò chuyện ấy, em cảm nhận được điều gì về tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến? Tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở ông Hai có quan hệ như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Ông Hai có cuộc trò chuyện với đứa con nhỏ mà không phải với bất kì ai khác bởi vì:

  • Ông Hai trò chuyện với đứa con nhỏ thực chất là tự nhủ với chính mình, tự giãi bày nỗi lòng mình.
  • Ông mặc cảm với mọi người, hễ thấy ai trò chuyện cũng nghĩ họ đang nói về mình, về làng chợ Dầu. Với tâm trạng như vậy ông Hai không có đủ tự tin, dũng khí để nói chuyện với bất kì ai khác.
  • Nói chuyện với thằng con Út vì nó là một đứa con mà ông rất thương, cũng chỉ là một đứa nhỏ hồn nhiên. Quan trọng là ông cần một người lắng nghe ông lúc này. Với sự hồn nhiên của đứa trẻ, nó sẽ không có những suy nghĩ sâu xa, không có những lời nói mỉa mai.

Qua những lời trò chuyện ấy, ta thấy được:

  • Trong những lúc đau xót bế tắc, bị ngờ oan thì trong thẳm sâu tấm lòng của người nông dân ấy vẫn hướng về cụ Hồ, hướng về kháng chiến.
  • Tình yêu làng của ông vô cùng sâu nặng, muốn con cái ghi nhớ về quê hương, nguồn cội của mình.
  • Tình yêu làng của ông Hai được đặt trong tình yêu nước lớn rộng, gắn chặt với dân tộc, với kháng chiến, cách mạng trở thành thứ tình cảm thiêng liêng, bền chặt.

Soạn bài Làng

Câu 4 (trang 174 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật ông Hai của tác giả.

Lời giải chi tiết:

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật:

Tác giả miêu tả tâm lý nhân vật chân thực, sâu sắc qua hành động, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại, rất hợp lý. Từ chỗ đau đớn rụng rời đến chỗ bế tắc tuyệt vọng và cuối cùng là sung sướng, hả hê, giải tỏa tâm lý bằng cái tin cải chính. Nhân vật được hồi sinh.

Ngôn ngữ nhân vật:

Ngôn ngữ truyện mang đậm tính khẩu ngữ, tự nhiên, gần gũi với đời sống. Nhân vật ông Hai nói năng, suy nghĩ, hành động một cách hết sức tự nhiên y như con người thật ở ngoài đời. Thể hiện tâm hồn bình dị của người nông dân, tha thiết với kháng chiến.

Soạn bài Làng

Trên đây là hướng dẫn soạn bài Làng chi tiết, đầy đủ nhất. GiaiNgo hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho quá trình học tập của bạn. Theo dõi GiaiNgo để cập nhật nhiều kiến thức thú vị nhé!