Lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận rất nhiều những chiến công của vị hoàng đế Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương thời bấy giờ. Vậy Chu Nguyên Chương là ai? Tiểu sử Chu Nguyên Chương? Hãy cùng GiaiNgo ngược dòng lịch sử tìm hiểu về vị hoàng đế này nhé!
Chu Nguyên Chương là vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Ông được xem như là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn với đất nước.
Tuy nhiên, ông cũng bị chê trách vì sự hà khắc, tàn bạo cũng như sát hại hàng loạt những công thần khai quốc đã cùng ông xây dựng Minh triều.
Chu Nguyên Chương tuy rằng không có xuất thân hiển hách, nhưng lại dựa vào tài năng và trí tuệ của chính mình để gây dựng nên thiên hạ cho riêng mình.
Chu Nguyên Chương là người Trung Quốc, nguyên quán ở Tứ Châu, nay là huyện Hu Dị, tỉnh Giang Tô. Sau ông dời về huyện Chung Ly, Hào Châu tức Phụng Dương.
Chu Nguyên Chương xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo khổ, từng giữ dê chăn bò cho địa chủ, gian khổ tu luyện. Chu Nguyên Chương là con út, thuở nhỏ gọi là Trùng Bát.
Đến cả tên họ chính thức ông cũng không có. Mãi sau này khi gia nhập nghĩa quân Quách Tử Hưng, ông mới lấy tên là Chu Nguyên Chương, tên chữ là Quốc Thụy.
Chu Nguyên Chương sinh năm 1328. Cha mẹ ông có 8 người con, 2 người đã chết yểu, còn lại 6 người gồm 4 trai 2 gái.
Năm 1352, khi khí vận triều Nguyên sắp tận, Chu Nguyên Chương gia nhập Hồng Cân quân (quân khăn đỏ) của Quách Tử Hưng, được Tử Hưng tin cậy, nhậm chức Tả phó Nguyên soái nghĩa quân.
Từ một kẻ xuất thân tầm thường, Chu Nguyên Chương đã trở thành người đứng đầu quân doanh, xuất quân Bắc phạt. Tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, khai quốc vương triều nhà Minh.
Chu Nguyên Chương mất năm 1398 vào ngày 24 tháng 6 dương lịch năm Hồng Vũ thứ 31. Ông hưởng thọ 71 tuổi, trị vì hơn 30 năm (23/01/1368 – 24/06/1398).
Ông được chôn ở Hiếu lăng, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy là Cao hoàng đế. Sau khi ông chết, các ngự y của ông bị lưu đày. Về sau khi hai hoàng đế Minh Hiếu Tông và Minh Thế Tông băng hà thì ngự y của họ đều bị xử tử.
Dàn hậu cung của Chu Nguyên Chương có rất nhiều giai nhân. Nhiều tài liệu để lại ghi rằng tam cung lục viện của Minh Thái Tổ cũng phải có tổng cộng hơn 40 phi tần.
Tuy vậy, trong suốt thời gian trị vì ngôi đế, Chu Nguyên Chương chỉ sắc phong ngôi vị hoàng hậu cho một người duy nhất, còn gọi là Mã hoàng hậu.
Vợ Chu Nguyên Chương là hoàng hậu Mã Tú Anh, một tấm gương sáng cho sự tài giỏi và đức hạnh. Dù Chu Nguyên Chương có tàn bạo với các phi tần cung nữ thì ông luôn đối xử một cách tôn trọng với Mã hoàng hậu.
Mã Tú Anh hoàng hậu luôn một lòng một dạ giúp đỡ chồng, cùng chồng giải quyết những khó khăn. Bà là một người nổi tiếng có nhân phẩm tốt, đối với người trên thì kính trọng, kẻ dưới thì nhân từ. Hậu cung vì thế mà rất đỗi yên bình, bởi ai cũng phục Mã hoàng hậu.
Do xuất thân nghèo khó, cũng là người góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng nên triều Minh cùng Chu Nguyên Chương, Mã hoàng hậu rất hiểu lẽ phải. Bà biết tiết kiệm tiền bạc và trân quý sinh mệnh con người. Bà cũng thường xuyên khuyên can những việc làm sai trái của chồng.
Không ai có thể thay thế được vị trí Mã hoàng hậu trong lòng Chu Nguyên Chương. Năm 1382, Mã hoàng hậu bị bệnh qua đời. Chu Nguyên Chương vô cùng đau lòng. Ông quyết định không lập thêm hoàng hậu để tưởng nhớ bà cũng như muốn dành trọn tấm chân tình cho người vợ tào khang của mình.
Chu Nguyên Chương có tổng cộng 26 người con trai. Trong số đó con trai thứ hai và con trai thứ ba có số đoản mệnh, những người con trai khác thì được phong làm phiên vương.
Ngoài ra cũng có một số người là chết trẻ. Sau khi cân nhắc giữa những người con của mình, Chu Nguyên Chương quyết định chọn Hoàng đích trưởng tử Chu Tiêu là người kế vị.
Ông đã chuẩn bị cho ngôi kế thừa của Chu Tiêu từ khi Chu Tiêu chỉ mới 13 tuổi. Không may, tháng 1/1392 sau khi đi thị sát Thiểm Tây trở về, Chu Tiêu mọc bướu dữ đau đớn vô cùng, cuối cùng mất sớm.
Chu Tiêu mất sớm khiến Chu Nguyên Chương đau lòng khôn xiết. Ông vô cùng đau đầu không biết phải để ai lên kế vị. Những người con trai khác của ông không thể khiến ông tin tưởng. Họ không phạm tội giết người thì cũng chìm đắm trong tửu sắc, không có chút kinh nghiệm hay tài năng chính trị.
Cuối cùng còn lại Yến Vương Chu Đệ và đích tôn Chu Doãn Văn, là con trai thứ của Chu Tiêu. Sau khi đắn đo suy nghĩ, Chu Nguyên Chương quyết định lập đích tôn Chu Doãn Văn 16 tuổi lên kế vị, tức là vua Minh Huệ Đế.
Sự lựa chọn sai lầm này của Chu Nguyên Chương đã gây ra một hậu quả khôn lường. Đó là cuộc nội chiến giành ngôi vị do Chu Đệ phát động để đoạt lại thiên hạ từ tay người cháu Chu Doãn Văn. Cuộc nội chiến diễn ra đẫm trong máu và mang lại nhiều sự thay đổi khi Chu Đệ giết vua cướp ngôi.
Để diệt trừ hậu họa cho con cháu, Chu Nguyên Chương đã gây ra nhiều vụ án liên lụy đến nhiều người. Để thực hiện độc tài chuyên chế, bảo đảm thiên hạ tồn tại với con cháu vạn đời, Chu Nguyên Chương đã nhẫn tâm giết con cháu trong dòng họ. Ông giết cháu ruột là Chu Văn Chinh, đầu độc cháu ngoại là Lý Văn Trung.
Lý Văn Trung từng nhiều lần chinh chiến và lập không ít chiến công bất hủ. Ông được đánh giá là người văn võ song toàn, nắm quyền lãnh đạo quân đội tối cao.
Chỉ vì phê bình hoàng đế đối xử với quan lại quá mức hà khắc, Lý Văn Trung đã bị Chu Nguyên Chương đầu độc, lấy lý do là “thân cận Nho sinh”, “lễ hiền hạ sĩ”.
Truyền thuyết về Chu Nguyên Chương cũng tốn không ít giấy mực của sử sách Trung Hoa. Vị hoàng đế khai quốc triều đại nhà Minh với nhiều chiến công lừng lẫy và những giai thoại đương thời càng khiến người đời có thêm những tò mò về ông.
Vị hoàng đế xuất thân từ ăn mày
Có thể nói rằng, Chu Nguyên Chương là một trong những vị hoàng đế có xuất thân khiêm nhường nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh ra trong một gia đình bần nông ở Tứ Châu, nay là tỉnh Giang Tô. Do kế sinh nhai nên cả gia đình phải trôi nổi nhiều nơi.
16 tuổi, ông đi chăn gia súc thuê và không lâu thì bị chủ đuổi vì lén thui một con gia súc trong đàn để ăn. Năm 1344, một bệnh dịch đã giết chết cha mẹ cùng những người anh lớn chỉ trong vòng vài tuần. Để tránh hạn hán và đói kém, ông phải tá túc làm sư ở một ngôi chùa.
Ngặt nỗi, tình thế khó khăn, chùa không đủ sức nuôi hết các sư, do đó ông phải rời chùa để kiếm sống trong 3 năm bằng cách đi ăn mày. Mãi sau, ông mới trở về chùa làm sư trong 3 năm nữa và lúc này mới bắt đầu học đọc, học viết.
Đối xử tàn độc với hậu cung
Chu Nguyên Chương quản lý hậu cung vô cùng nghiêm khắc và tàn khốc. Chỉ cần ông nghi ngờ phi tần không chung thủy, sẽ xử bằng nhục hình tàn bạo nhất cho phụ nữ thời bấy giờ. Đó là hình phạt “thiết quần hình”.
“Thiết quần hình” nghĩa là dùng một miếng sắt mỏng để tạo thành hình chiếc quần. Các phi tần được coi là bất trung sẽ phải mặc chiếc quần này rồi nung cháy đỏ trên lửa, khiến da thịt bị nướng chín, đau đớn đến chết.
Hơn thế nữa, ngay cả những người có thai với Chu Nguyên Chương nhưng nếu không sinh đủ ngày đủ tháng cũng bị ông kết tội tư thông với kẻ khác và bị giết chết.
Sử cũ ghi rằng, Năm Hồng Vũ 14 (1381) người ta phát hiện trên con sông chạy ngang qua hậu cung Minh triều có một thi thể trẻ con. Sự việc này khiến Chu Nguyên Chương nổi trận lôi đình, nhất quyết cho rằng một phi tần nào đó đã vụng trộm.
Sau khi suy tính vài ngày, ông cho rằng Hồ Xung Phi chính là “thủ phạm” nên sai người giết chết bà. Đáng buồn cười rằng, bà khi ấy đã ngoài 50, cơ bản mà nói là rất khó có con.
Từng hậu đãi công thần hậu hĩnh
Thời điểm mới gây dựng Minh triều, Chu Nguyên Chương không hề bạc đãi mà hết mực hậu đãi cho những chiến tướng đã cùng vào sinh ra tử với mình. Từ năm 1370, Chu Nguyên Chương tiến hành luận công ban thưởng và phong chức tước cho các đại thần. Không chỉ dừng lại ở việc ban chức tước, ông còn tặng cho gia tộc của các vị công thần vô số ruộng vườn.
Chu Nguyên Chương còn dành cho những công thần một đặc quyền đặc lợi vô cùng to lớn. Ông đã ban cho các công thần khai quốc một thứ “thần vật” gọi là Thiết Khoán. Khi có Thiết Khoán trong tay, dù các công thần hay con cháu có phạm tội nặng tới đâu cũng sẽ được miễn tử nhiều lần.
Sát hại tàn bạo công thần
Sau khi đã thống nhất thiên hạ, Minh Thái Tổ không an tâm khi thấy sự tài giỏi của các công thần bên mình, sợ sẽ có ngày họ tạo phản. Ông đã ra tay sát hại nhiều công thần, phát triển chế độ Trung ương tập quyền đến đỉnh cao, muốn diệt trừ hậu họa cho đời sau.
Trước những sự thật lịch sử đã diễn ra, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, bởi lẽ khi được ban Thiết Khoán, không ít người trong số các đại thần thời bấy giờ trở nên tha hóa, biến chất. Từ đó, nhiều người trong giới công thần đã áp bức dân lành, tham ô, phạm pháp, gây ra nhiều oán than.
Mặc cho có nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận rằng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là một vị hoàng đế có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử Trung Hoa.
Thông qua bài viết, hẳn bạn đọc đã biết được Chu Nguyên Chương là ai và những truyền thuyết lịch sử về ông. Vậy đừng quên chia sẻ bài viết và theo dõi GiaiNgo để được cập nhật thêm nhiều kiến thức hay ho nhé!