Sông và hồ khác nhau như thế nào? Một số lợi ích của sông và hồ có thể bạn chưa biết

Thật tuyệt vời biết bao, khi chiều chiều được ngồi trên những dòng sông, bờ hồ cùng nhau trò chuyện và thả hồn vào những cơn gió. Chính vì đôi nét giống nhau, mà chúng ta thường hay lầm tưởng giữa sông và hồ. Vậy sông và hồ khác nhau như thế nào? Ngay bây giờ, GiaiNgo sẽ giải đáp giúp bạn những thắc mắc này nhé!

Sông là gì?

Sông là dòng nước chảy thường xuyên và tương đối ổn định trên bề mặt lục địa, hầu hết các sông đều đổ ra biển. Nơi tiếp giáp giữa biển và sông là cửa sông. Trong một vài trường hợp, sông chảy ngầm xuống đất hoặc khô hoàn toàn trước khi chúng chảy đến một vùng có nước (vực nước) khác.

 

Các con sông nhỏ còn được gọi là suối, sông nhánh, rạch,…  Một vài con sông nổi tiếng trên thế giới là: sông Seine ở Pháp, sông Nile ở Ai Cập,… Một trong những con sông nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam là sông Cửu Long, sông Hồng, sông Thu Bồn, sông Hoài,…

Như vậy, có thể thấy sông là một thành phần quan trọng trong vòng tuần hoàn nước, nó đóng vai trò là các bồn thu nước từ nước mưa chảy tràn, tuyết hoặc nước ngầm và vận chuyển các loại nước này ra đại dương.

Lưu lượng sông là gì?

Lưu lượng sông là lượng nước chảy qua mặt cắt ngang sông trong một đơn vị thời gian. Đơn vị tính thường là m3/s.

Nhịp điệu thay đổi lưu lượng của một con sông trong một năm làm thành chế độ dòng chảy hay thủy chế của nó. Trong đó, thủy chế được hiểu là chế độ chảy của mỗi con sông.

Hồ là gì?

Hồ là những khoảng nước đọng tương đối rộng và sâu trong đất liền. Hồ thường không có diện tích nhất định, có hồ lớn, có hồ nhỏ. Hồ lớn điển hình nhất trên thế giới là: hồ Victoria ở châu Phi, hồ A-ran ở châu Á,… Ở nước ta thì phải kể đến Hồ Gươm, Hồ Tơ – nưng (Biển Hồ),…

 

Nguồn gốc hình thành sông và hồ

Vạn vật sinh ra đều có nguồn gốc nhất định. Sông và hồ cũng như vậy. Mỗi dòng sông thì sẽ có một cội nguồn nhất định như sông Hồng được bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra vịnh Bắc Bộ.

Hồ có nhiều nguồn gốc hình thành khác nhau. Dựa vào tính chất, hồ được phân ra làm nhiều loại như sau:

  • Hồ móng ngựa được hình thành do uốn khúc một con sông, qua thời gian, đoạn sông cũ trên dòng chảy mất đi tạo ra đường đi cho dòng sông mới, vết tích dòng sông cũ để lại. Ví dụ: Hồ Tây (Hà Nội)
  • Hồ băng hà được hình thành do băng hà di chuyển qua bào mòn mặt đất, đào sâu chỗ đất đá mềm để lại vũng nước lớn. Ví dụ: Phần Lan, Canada…
  • Hồ miệng núi lửa là hồ hình thành trên miệng trũng của núi lửa, nước tụ lại khi chảy ra sông. Ví dụ như: Biển Hồ (Gia Lai)
  • Hồ kiến tạo là loại hồ hình thành ở vùng đất bị sụt lún do động đất gây ra và di chuyển các mảng kiến tạo. Ví dụ: hồ ở Đông Phi.

Ngoài ra, ở hoang mạc, gió tạo thành các cồn cát cao, chân cồn cát tạo thành nơi trũng, nước tụ lại thành hồ.

Sông và hồ khác nhau như thế nào?

Sau khi tìm hiểu sơ lược về khái niệm sông, hồ chúng ta phần nào hiểu được sông và hồ khác nhau như thế nào?

Về mặt cấu tạo: sông gồm nhiều bộ phận như lưu vực, hạ lưu, phụ lưu…tạo thành hệ thống sông. Còn cấu tạo của hồ thì đơn giản hơn sông. Hồ là  khoảng nước đọng cố định.

Về mặt diện tích: sông có lưu vực nhất định còn hồ thì có diện tích đa dạng, không xác định.

Mặc dù có sự khác nhau như thế nhưng sông và hồ đều là những thành phần không thể thiếu trong tự nhiên, cả hai đều góp phần tạo nên một hệ sinh thái tuyệt vời.

Lợi ích của sông và hồ

Sông, hồ không chỉ tạo cảnh quan cho du lịch sinh thái mà còn cung cấp nước cho hoạt động sản xuất và đời sống của con người. Chúng ta không thể nào sống nếu thiếu nước phải không nào? Ngoài ra sông, hồ còn nhiều lợi ích khác như: là cầu nối giữa nhiều vùng miền, thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản, phát triển ngành nuôi trồng thuỷ hải sản.

 

Hy vọng với những thông tin tổng hợp trên, GiaiNgo đã giúp bạn nhận biết được sông và hồ khác nhau như thế nào rồi phải không? Đừng quên chia sẻ thông tin này để nhiều người được biết và hiểu rõ hơn nhé!