Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là ngày hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Giỗ Tổ 10/3 là giỗ vị vua nào? Vị vua đầu tiên của nước ta là ai? Cùng GiaiNgo giải đáp các thắc mắc sự kiện lịch sử này nhé!
Vị vua đầu tiên của nước ta là vua Hùng. Khoảng thế kỉ VII TCN sau thời kỳ “liên bang” tan rã những người Lạc Việt sống ở miền Bắc Việt Nam bấy giờ đã xây dựng nhà nước cho riêng mình. Đó là nhà nước Văn Lang do các vua Hùng trị vì đóng đô tại Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).
Hùng Vương là thủ lĩnh của thời kỳ Việt Nam bắt đầu dựng nước. Miền đất đầu tiên nơi tổ tiên ta định cư là miền Bắc Việt Nam. Đất không rộng lắm, người chưa đông lắm, nhưng cũng đã có đủ điều kiện để dựng nước, có sức sinh tồn và phát triển.
Những nhóm dân cư quan trọng nhất trên lãnh thổ đó là người Việt cổ. Ban đầu họ sống thành từng công xã, ràng buộc với nhau bởi quan hệ máu mủ, quan hệ làng xóm. Họ đoàn kết, tương thân tương ái trong công việc làm ăn và giữ làng, giữ nước.
Vị vua nữ đầu tiên của nước ta là Trưng Trắc. Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi. Theo thông tin GiaiNgo tìm được, hai bà sinh vào ngày 01 – 8 năm Giáp Tuất, năm 14 sau Công nguyên.
Hai Bà Trưng là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (người đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) thuộc dòng dõi Hùng Vương. Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Hán. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã giải phóng được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh.
Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại. Tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử. Sau khi Hai Bà Trưng mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc, nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh.
Đặc biệt, ở Kinh đô Mê Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn quan tâm việc giữ gìn, tôn tạo đền thờ Hai Bà Trưng. Hằng năm tổ chức lễ hội dâng hương tưởng nhớ công đức Hai Bà đối với dân tộc.
Vị vua Hùng đầu tiên của nước ta là vua Đế Minh. Ngài là cháu ba đời của vua Thần Nông nhưng được thay bằng họ Hữu Hùng sau một trận đánh quyết liệt với Xuy Vưu. Theo huyền sử Trung Hoa, tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghênh Hữu Hùng Thị, đôn Hữu Hùng Thị lên ngôi minh chủ, lấy hiệu là Hoàng Đế. Hoàng Đế chính là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên.
Sách Thiên Nam ngữ lục từng chép việc này:
Từ vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành
Đế Minh đã dựng đô tại nơi hội tụ của ba con sông Đà, Lô, Thao (Tam Giang) chính là đất Phong Châu của Phú Thọ ngày nay. Đế Minh có hai con là Đế Nghi cai quản ở phương Bắc và Lộc Tục cai trị đất phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Không gian mà Kinh Dương Vương cai trị được gọi là nước Xích Quỷ (Xích là màu đỏ, Quỷ là Thần; Xích Quỷ là Thần phương Nam).
Cũng theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương đi tuần thú khắp nước, đến Hoan Châu thấy một vùng phong cảnh núi đi gấp khúc, nước chảy vòng theo, rồng cuộn hổ nằm, 99 ngọn. Đó là Ngàn Hống giáp với cửa Hội Thống ngoài biển bèn xây dựng đô thành. Đây là kinh đô thứ hai (nhưng là đầu tiên của thời Kinh Dương Vương).
Kinh Dương Vương có vợ là Thần Long nữ sinh ra Lạc Long Quân (Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh bọc trăm trứng. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con về lại Phong Châu, lập con cả làm vua gọi là Hùng Vương. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Hùng Vương lên ngôi đặt quốc hiệu là Văn Lang, nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành – nay là Quảng Nam) chia nước làm 15 bộ.
Như thế có thể thấy, thời đại Hùng Vương bắt đầu từ khi Đế Minh mang họ Hữu Hùng. Đế Minh – Hùng Dương Vương (theo Ngọc phả) là ông nội của Lạc Long Quân – Hùng Hiền Vương. Từ Đế Minh đến Lạc Long Quân, nước ta có ít nhất hai tên gọi là Xích Quỷ và Văn Lang (còn một tên gọi nữa là Việt Thường gắn với vùng Hoan Châu). Cũng có hai kinh đô là Phong Châu (thời Đế Minh, và đời Hùng Quốc Vương – con đầu Âu Cơ) và Ngàn Hống (thời Kinh Dương Vương).
Không gian thời cổ của các vua Hùng gồm 15 bộ của Văn Lang có thể nói là quá rộng, vậy nước Văn Lang thuở ấy phải chăng là gồm cả tộc Việt (Bách Việt), và quốc gia mang dòng Việt ngày nay duy nhất chỉ còn là Việt Nam, quê hương của các Vua Hùng.
Trong cuốn sách “Thế thứ các triều vua Việt Nam” (Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 14 – 15) của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, 18 vị Vua Hùng được liệt kê đầy đủ và rõ ràng như sau:
1. Kinh Dương Vương(涇陽王): 2879 – 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Huý là Lộc Tục (祿續).
2. Hùng Hiền Vương(雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 – 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜).
3. Hùng Lân Vương (雄麟王): 2524 – 2253 TCN.
4. Hùng Việp Vương (雄曄王): 2252 – 1913 TCN.
5. Hùng Hi Vương (雄犧王): 1912 – 1713 TCN (phần bên trái chữ “Hi” 犧 là bộ “ngưu” 牛).
6. Hùng Huy Vương (雄暉王): 1712 – 1632 TCN.
7. Hùng Chiêu Vương (雄昭王): 1631 – 1432 TCN.
8. Hùng Vĩ Vương (雄暐王): 1431 – 1332 TCN.
9. Hùng Định Vương (雄定王): 1331 – 1252 TCN.
10. Hùng Hi Vương (雄曦王): 1251 – 1162 TCN (phần bên trái chữ “Hi” 犧 là bộ “nhật” 日).
11. Hùng Trinh Vương (雄楨王): 1161 – 1055 TCN.
12. Hùng Vũ Vương (雄武王): 1054 – 969 TCN.
13. Hùng Việt Vương (雄越王): 968 – 854 TCN.
14. Hùng Anh Vương (雄英王): 853 – 755 TCN.
15. Hùng Triêu Vương (雄朝王): 754 – 661 TCN.
16. Hùng Tạo Vương (雄造王): 660 – 569 TCN.
17. Hùng Nghị Vương (雄毅王): 568 – 409 TCN.
18. Hùng Duệ Vương (雄睿王): 408 – 258 TCN.
Tuy nhiên, ngay sau danh sách này, tác giả cũng đưa ra nhận xét thuộc một trong hai quan điểm đang được các nhà sử học tạm chấp nhận là 18 vị Vua Hùng không phải là 18 người cụ thể mà là 18 chi (nhánh/ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Lễ được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính.
Vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Thái Tông. Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗 9 tháng 7 năm 1218 – 5 tháng 5 năm 1277), tên khai sinh là Trần Cảnh (陳煚), là vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông giữ ngôi từ ngày 10 tháng 1 năm 1226 tới ngày 30 tháng 3 năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277.
Cùng với Thượng hoàng Trần Thừa (mất năm 1234) và Thái sư Trần Thủ Độ (mất năm 1264), Trần Thái Tông đã tiến hành cải tổ luật pháp, hành chính. Đồng thời khuyến khích nông, thương nghiệp và phát triển nền giáo dục Tam giáo đồng nguyên. Trần Thái Tông cũng xây dựng quân đội mạnh và ngăn chặn quân Chiêm Thành cướp phá mạn nam.
Theo nhà chép sử Lê Tung đời Lê sơ: “chế độ nhà Trần do đấy hưng thịnh”. Trong thời gian đó, trên hướng bắc Đại Việt, dân tộc Mông Cổ đã trỗi dậy thành một đế quốc quân sự lớn.
Năm 1258, tướng Mông Cổ Uriyangqatai đem quân tấn công Đại Việt. Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo kháng chiến và cuối cùng đã đánh bại người Mông Cổ. Không lâu sau chiến thắng, ông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng, tức Hoàng đế Trần Thánh Tông, và được tôn làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế (顯堯聖壽太上皇帝).
Thượng hoàng vẫn có ảnh hưởng lớn đến việc triều chính cho đến khi mất năm 1277. Ông còn là một thiền sư Phật giáo, đã truyền dạy kinh nghiệm tu hành của mình qua các tác phẩm Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Chú giải Kinh Kim cương Tam muội và Lục thời sám hối khoa nghi. Ông được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm – giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam – vào cuối thế kỷ XII.
Vị vua giỏi nhất Việt Nam là Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử lỗi lạc của Việt Nam. Ông không những cùng dòng họ Trần lập nên những võ công hiển hách mà còn góp công lớn tạo dựng nên một triều đại thịnh trị kéo dài gần 2 thế kỷ, từ năm 1226 đến năm 1400.
Vua Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, là vị vua thứ ba sau Trần Thái Tông. Trần Thánh Tông nhà Trần, đã lãnh đạo chiến thắng hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chiến thắng quân Nguyên – Mông (1285, 1288), giành độc lập tự chủ cho đất nước và dân tộc, tạo được sự đoàn kết hòa hợp dân tộc, điển hình là hai cuộc Hội nghị trưng cầu dân ý – Hội nghị Bình Than (1282) và Hội nghị Diên Hồng (1285).
Trần Nhân Tông sau khi xuất gia tu hành tại núi Yên Tử năm 1299, trở thành vị Vua Phật – Điều Ngự Giác Hoàng, thành lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, phái Thiền Việt Nam và thống nhất Phật giáo đời Trần.
Ngoài công việc trọng đại trên, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông bằng Tâm Từ bi vô lượng đã đi chu du khắp cả nước, giáo hóa nhân dân sống đạo đức, lương thiện. Tạo thành một xã hội thanh bình, thuần lương, nhân hậu, đạo đức xã hội, xây dựng một cực lạc tại nhân gian, một thiên đường trên quả đất này. Triết lý mà Trần Nhân Tông sử dụng là giáo lý 10 điều thiện, là giáo lý căn bản của Phật giáo Nam Bắc truyền. Triết lý này được Trần Nhân Tông khai thác trên cơ sở con Người và Tâm là Phật là chủ yếu. Tâm là Phật, Phật là Tâm chính là cơ bản cho mọi lý luận, hành động và thực chứng.
Tóm lại, Trần Nhân Tông được công nhận là một trong những vị vua tài giỏi trong lịch sử Việt Nam bởi tài năng mưu lược, công lao giữ, dựng và mở nước rất sáng suốt và anh minh.
Trên đây là những thông tin về lịch sử Việt Nam mà GiaiNgo muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng, những thông tin vừa rồi là hữu ích đối với bạn. Đừng quên thường xuyên ghé GiaiNgo để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!