Luận điểm là gì? Tại sao luận điểm được coi như linh hồn của bài viết? Có lẽ cũng đã có nhiều người tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình rồi đúng không? Vậy thì hãy cùng GiaiNgo khám phá những điều bổ ích ngay sau đây nhé!
Luận điểm chính là những tư tưởng hay đơn giản là những quan điểm mà người viết muốn truyền tải. Ngoài ra, luận điểm còn được coi là lập luận chính của vấn đề đang được thảo luận, nghị luận.
Luận điểm thường rõ ràng, mang tính nêu nội dung chủ đề cần được nói đến. Một vấn đề được đặt ra có thể có một hoặc nhiều luận điểm. Luận điểm phải thật đúng đắn, mang tính chân thật, đáp ứng được những nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục và thu hút được mọi người.
Ví dụ: “Việc đọc sách đem lại rất nhiều lợi ích đối với con người”. Đây là luận điểm chính, bao quát được toàn bộ nội dung chính và nhấn mạnh được chủ đề cần nói đến.
Luận điểm phụ là các vấn đề đặt ra nhằm làm rõ luận điểm chính. Luận điểm phụ được coi là những ý cụ thể lí giải, thuyết minh, chứng minh cho vấn đề khái quát của luận điểm chính. Các luận điểm phụ thường liên kết chặt chẽ với nhau để chứng minh, làm sáng tỏ luận điểm chính của toàn bài.
Ví dụ của luận điểm phụ là: Sách giúp con người nhận thức thế giới, sách giúp con người biết yêu thương, sẻ chia… nhằm làm nổi bật luận điểm chính :”Vai trò của việc đọc sách đối với con người”.
Luận điểm có vai trò vô cùng quan trọng trong các bài thuyết trình, các văn bản nghị luận. Luận điểm thường phải có cấu trúc chặt chẽ, thể hiện dưới dạng một câu văn khái quát được nội dung chính.
Luận điểm phải thật đúng đắn, chân thực và đáp ứng được nhu cầu thực tế thì mới thu hút, gây sức thuyết phục với mọi người. Luận điểm là linh hồn của bài văn, đóng vai trò liên kết các đoạn văn thành văn bản hoàn chỉnh.
Cách xác định luận điểm là suy nghĩ thấu đáo, nảy ra ý tưởng về nội dung mình cần viết. Đây là bước khá quan trọng, đòi hỏi sự chính xác và rõ ràng. Luận điểm chính là linh hồn của mỗi bài viết, bài thuyết trình. Xác định luận điểm là cơ sở quyết định đến chất lượng nội dung cần truyền tải.
Ví dụ như đề bài là phân tích hình ảnh người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ trong “Hoàng Lê nhất thống chí”. Chúng ta phải xây dựng luận điểm thế nào? Trước tiên, Quang Trung là người mạnh mẽ quyết đoán. Sau đó là ông có tầm nhìn xa trông rộng,… Từ đó ta mới làm nổi bật lên những tài năng, phẩm chất cao đẹp của người anh hùng Quang Trung.
Trình bày luận điểm là cách trình bày lí lẽ, nêu lên lập luận và dẫn chứng. Người ta thường trình bày luận điểm theo phương pháp diễn dịch và quy nạp. Phương pháp diễn dịch: luận điểm chính là câu chủ đề, đứng đầu đoạn văn.
Ví dụ:”Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa”. (Gửi đồng bào Nam Bộ – Hồ Chí Minh)
Luận điểm chính là câu chủ đề được đặt ở cuối đoạn văn thì gọi là phương pháp quy nạp.
Ví dụ: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)
Hãy cho biết trong những câu sau đâu là luận điểm và giải thích vì sao?
a) Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
b) Đẹp thay Tổ quốc Việt Nam!
c) Chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu và sản xuất.
d) Tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh.
Lời giải:
Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài viết được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định hoặc câu phủ định, được diễn đạt sáng tỏ và dễ hiểu. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục
Vì vậy các câu là luận điểm là: a) và d) vì: Đây đều là hai câu khẳng định và thể hiện rõ quan điểm của người viết.
Qua bài viết trên, chắc hẳn các bạn đã thấy được những thông tin hữu ích mà GiaiNgo đã đem lại phải không nào? Đừng quên theo dõi GiaiNgo để cập nhật thêm những thông tin bổ ích và thú vị mỗi ngày nhé!